Trang chủ / Chuyên đề / XUẤT HUYẾT NÃO

XUẤT HUYẾT NÃO

28/08/2023 07:53     2      13,212     

Đột quỵ não (hay tai biến mạch não) bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não, là tình trạng tổn thương mạch máu não đột ngột dẫn đến nhiều biến chứng thần kinh nặng nề.

  1. Bệnh xuất huyết não là gì?

Đột quỵ não (hay tai biến mạch não) bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não, là tình trạng tổn thương mạch máu não đột ngột dẫn đến nhiều biến chứng thần kinh nặng nề.

Xuất huyết não là tình trạng vỡ mạch não trong não đột ngột, dẫn đến tổn thương cả mô não do mạch đó cấp máu và vùng mô não quanh khối xuất huyết bị đè đầy, hoại tử nên mức độ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh sẽ nặng nề hơn nhồi máu não. Xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não (khoảng 20%) nhưng tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn.

  1. Nguyên nhân, đối tượng mắc bệnh?
  • Nguyên nhân:

+ Xuất huyết não tiên phát: do bệnh lý xơ vữa, thoái hóa vi thể thành mạch thường do hậu quả của tăng huyết áp kéo dài, rối loạn mỡ máu. Khi Người bệnh có cơn tăng huyết áp sẽ làm tăng áp lực lên thành mạch yếu và vỡ ra gây chảy máu não. Vùng chảy máu sẽ đè đầy trực tiếp mô não xung quanh, sẽ gây viêm hoại tử mô não và làm nhồi máu não thứ phát, và tiếp diễn quá trình hoại tử và khiến xuất huyết tiếp tục và khó cầm, khiến khối xuất huyết tăng dần. Khi kích thước đủ lớn sẽ chèn ép não, tăng áp lực nội sọ, phù não nặng, gây tụt kẹt não và chết não.

+ Xuất huyết não thứ phát: căn nguyên dị dạng mạch máu (phình mạch, thông động-tĩnh mạch, rò động-tĩnh mạch màng cứng, dị dạng mạch thể hang), biến chứng chảy máu sau nhồi máu, bệnh lý rối loạn đông máu, các khối u não chảy máu. Diễn biến sau đó cũng gây vòng xoáy bệnh lý như trên. Xuất huyết não do chấn thương sọ não có cách xử trí khác liên quan đến ngoại khoa nên thường không đề cập trong đột quỵ xuất huyết não.

  • Về mặt vị trí, chảy máu trong não không do chấn thương được chia thành xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết khoang dưới nhện, xuất huyết trong nhu mô não và xuất huyết trong não thất. Mỗi vị trí chảy máu cỏ thể gợi ý vùng tổn thương, mạch máu tổn thương, dạng xuất huyết để có phương án xử trí thích hợp.
  • Yếu tố nguy cơ mắc xuất huyết não:

+ Tuổi cao, tiền sử đột quỵ não, nghiện rượu, nghiện ma túy

+ Bệnh lý nền: tăng huyết áp, rối loạn đông máu, dùng thuốc chống đông, điều trị thuốc tiêu sợi huyết (trong nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim cấp), dị dạng động mạch não, viêm mạch, bệnh amyloidosis não, u tân sinh nội sọ.

  1. Biểu hiện xuất huyết não như thế nào?
  • Khởi đầu với đau đầu đột ngột, thường là trong khi vận động nặng. Sau đó xuất hiện mất ý thức, có thể thoáng qua hoặc hôn mê luôn nếu xuất huyết rộng. Buồn nôn, nôn, sảng, và cơn co giật có thể xảy ra.
  • Dấu hiệu thần kinh khú trú: đột ngột và tiến triển nặng dần theo vùng não bị chảy máu và bị khối máu tụ đè đẩy, như liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ, bán manh…
  • Dấu hiệu nguy kịch (xuất huyết não diện rộng): Người bệnh hôn mê, đồng tử giãn, giảm hoặc mất phản xạ với ánh sáng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, rối loạn thân nhiệt, dấu hiệu của phù não (phù gai thị), nguy có dẫn tới tụt kẹt não và chết não.
  1. Chẩn đoán xuất huyết não như thế nào?

-    Dựa vào cả triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm hỗ trợ: khám lâm sàng phát hiện triệu chứng đột quỵ não và chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sọ não cấp có thể phát hiện hình ảnh tổn thương xuất huyết não (khối xuất huyết mới tỷ trọng tương tự xương). Trong xuất huyết dưới nhện, nếu chụp cắt lớp sọ não không rõ có thể chọc dịch não tủy thắt lưng để chẩn đoán.

-    Các xét nghiệm máu hỗ trợ theo dõi và điều trị bệnh nhân.

  1. Điều trị xuất huyết não như thế nào?
  • Tuân theo nguyên tắc cấp cứu: ưu tiên ổn định đường thở, hô hấp, mạch huyết áp. Tiếp đến là kiểm soát chảy máu, tình trạng co giật, huyết áp và áp lực nội sọ.

+ Đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở chống sặc, suy hô hấp, ổn định oxy máu, hạ huyết áp theo khuyến cáo.

+ Thuốc an thần, giảm đau, dùng thuốc cắt cơn co giật. Điều chỉnh rối loạn đông máu (thuốc cầm máu, truyền các yếu tố đông máu nếu thiếu hụt như tiểu cầu, huyết tương).

+ Chống phù não, giảm áp lực nội sọ: bằng nhiều biện pháp cơ học (nằm đầu cao, thở máy, duy trì huyết áp ổn định theo khuyến cáo, thụt tháo, đặt sonde dẫn lưu dạ dày, bàng quang) và thuốc chống phù não (mannitol, muối ưu trương)

  • Can thiệp nếu có chỉ định: phẫu thuật lấy huyết khối nội sọ, dẫn lưu não thất, can thiệp nội mạch xử trí dị dạng mạch máu não.
  • Chăm sóc hỗ trợ, điều chỉnh các tình trạng bệnh đi kèm (ví dụ như sốt, nhiễm trùng, thiếu oxy máu, mất nước, tăng đường máu, tăng huyết áp).
  • Dự phòng và điều trị các biến chứng là rất quan trọng trong giai đoạn cấp tính cũng như giai đoạn hồi phục. Phục hồi chức năng sớm vừa hỗ trợ Người bệnh tránh biến chứng, vừa giúp Người bệnh nhanh chóng trở về trình trạng bình thường trước đây.
  1. Tiên lượng
  • Tiên lượng ở bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của đột quỵ, vị trí và kích thước của xuất huyết. Thang điểm Glasgow (GCS) thấp có liên quan đến tiên lượng kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Kích thước vùng xuất huyết lớn có liên quan đến tiên lượng kém hơn. Tăng kích thước của khối máu tụ có liên quan đến kết quả chức năng kém hơn và tỷ lệ tử vong tăng.
  • Điểm xuất huyết nội sọ (ICH score) tiên lượng tử vong do xuất huyết não.

Bác sĩ Nội trú Nguyễn Đức Minh

Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Facebook a Comment