Trang chủ / Tin tức / Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương triển khai kỹ thuật thắt giãn tĩnh mạch thực quản

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương triển khai kỹ thuật thắt giãn tĩnh mạch thực quản

04/10/2015 10:29     41,299      59,983     

Giãn tĩnh mạch thực quản:Bệnh nhân xơ gan thường tử vong do các biến chứng của hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Một trong những biến chứng nặng  hay gặp và gây tử  vong  cao nhất là vỡ giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày do hậu quả của tăng áp lực tĩnh  mạch cửa.

Để giảm tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân xơ gan, việc điều trị dự phòng xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản có vai trò rất quan trọng. Phương pháp đầu tiên là thuốc chẹn bêta không chọn lọc mà đứng đầu là propranolol. Nhiều nghiên cứu cho thấy propranolol làm giảm tỷ lệ xuất huyết tiên phát cũng như thứ phát. Nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ làm hạn chế sử dụng trong lâm sàng . Mặt khác, một trong những phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi gần đây là thắt giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su qua nội soi do có tính an toàn và hiệu quả cao .

*. Cơ chế hình thành giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày

- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Tăng áp tĩnh mạch cửa hay gọi vắn tắt hơn là tăng áp cửa là tình trạng bệnh lý làm gia tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch dẫn  máu từ các tạng đến gan. Tuy nhiên, tăng áp cửa không đơn thuần là sự gia tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch mà là sự gia tăng độ chênh áp lực giữa dòng chảy vào của tĩnh mạch cửa và dòng chảy ra của tĩnh mạch gan. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng tăng áp cửa là xơ gan - giai đoạn cuối ở bất kỳ bệnh lý gan mạn nào. Bệnh nhân xơ gan biểu hiện trên lâm sàng hai hội chứng chính:

Hội chứng suy chức năng gan và hội chứng tăng áp cửa.

Nguyên nhân đầu tiên gây tăng áp cửa là sự gia tăng đề kháng với dòng chảy mạch máu do sự biến đổi cấu trúc nhu mô gan do sự tạo mô xơ và hình thành các nốt gan tân tạo qua quá trình viêm. Ngoài ra, những phát hiện gần đây cho thấy tình trạng tăng áp cửa còn nặng nề hơn do có sự co mạch của hệ thống mạch máu trong gan do có sự suy giảm sản xuất NO (Nitric Oxide) tại chỗ cùng với sự tăng sản xuất NO (Nitric Oxide) ở mạch máu tạng và ngoại biên gây giãn mạch làm tăng dòng chảy và tăng thể tích tuần hoàn. Sự hình thành các vòng tuần hoàn bàng hệ với mục đích làm giảm áp lực cửa nhưng vẫn không thành công do hai nguyên nhân:

1. Có sự gia tăng dòng chảy qua tĩnh mạch cửa do giãn mạch máu tạng đồng thời với sự hình thành tuần hoàn bàng hệ.

2. Sự đề kháng của các vòng tuần hoàn bàng hệ ở bệnh nhân xơ gan lớn hơn sự đề kháng của các mạch máu trong gan ở người bình thường. Do đó sự gia tăng áp lực cửa ở bệnh nhân xơ gan là hậu quả của hai hiện tượng chính: gia tăng đề kháng với dòng chảy qua hệ thống cửa (bên trong gan và tuần hoàn bàng hệ) và sự gia tăng dòng chảy trong hệ thống cửa.

*Tóm lại  xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản gồm các yếu tố:

-Gia tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch giãn

Kích thước giãn tĩnh mạch

Áp lực lên thành giãn tĩnh mạch

Vị trí giải phẫu vỡ giãn tĩnh mạch

Hậu quả của vỡ các búi giãn tĩnh mạch thực quản:

Khi xuất huyết do vỡ các búi giãn tĩnh mạch thực quản dẫn đến mất máu , shock mất máu và có thể tử vong bệnh nhân chỉ có cơ may sống sót nếu được tiến hành cấp cứu tích cực kịp thời ở những đơn vị y tế kỹ thuật cao cùng với đội ngũ chuyên môn lành nghề.

Dù vậy, tỉ lệ tử vong vẫn rất cao, đến 30%-40%. Khoảng 60% còn lại sống xót sau 1 năm.

Phòng ngừa:

Biến chứng này có thể phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả.

Phát hiện sớm phải bằng NỘI SOI THỰC QUẢN. tất cả bệnh nhân được chẩn đoán XƠ GAN cần được nội soi để tầm soát biến chứng này. Thái độ xử trí tiếp theo tùy vào kết quả nội soi:

Không giãn tĩnh mạch thực quản: nội soi kiểm tra mỗi 2 năm (nếu xơ gan còn bù) hoặc mỗi năm (nếu xơ gan mất bù).

Có giãn tĩnh mạch thực quản, sẽ được phân độ:

- Độ I (giãn nhỏ): nội soi kiểm tra mỗi năm.

- Độ II và III (giãn trung bình và lớn), nguy cơ xuất huyết cao: NỘI SOI CAN THIỆP CỘT THẮT CÁC BÚI TĨNH MẠCH GIÃN BẰNG VÒNG CAO SU triệt tiêu các tĩnh mạch giãn này đã và đang tỏ ra là 1 giải pháp hữu hiệu phòng ngừa xuất huyết. việc dùng thuốc tiếp theo (nếu không có chống chỉ định) giúp tránh tái phát phần lớn các trường hợp chứ không phải hoàn toàn nên cần nội soi kiểm tra mỗi 6 tháng những bệnh nhân này.

Triệu chứng giãn tĩnh mạch thực quản :

Giãn tĩnh mạch thực quản thường không gây ra dấu hiệu và triệu chứng, trừ khi bị chảy máu. Các dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu thực quản là nôn ra máu (ít hoặc ồ ạt) hoặc đi ngoài phân đen. Những biểu hiện này xuất hiện khi tĩnh mạch đã bị giãn ở mức cực đại, gây thủng hoặc vỡ tĩnh mạch làm chảy máu.

Chỉ có thể phát hiện giãn tĩnh mạch thực quản thông qua chụp thực quản (uống barite hoặc soi thực quản bằng ống soi mềm).

Khi bị giãn tĩnh mạch thực quản phải làm gì?

Khi thấy trong người có những triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đau ở vùng gan,… thì bệnh nhân cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở chuyên gan khám ngay để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có các biện pháp điều trị kịp thời.

Khi bệnh nhân nôn ra máu nghĩa là tĩnh mạch thực quản bị vỡ, phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để làm các biện pháp cầm máu.

Nói chung mục tiêu chủ yếu trong điều trị giãn tĩnh mạch thực quản là để ngăn chặn chảy máu. Chảy máu thực quản là đã đe dọa tính mạng của người bệnh, vì thế biện pháp tốt nhất để tránh nguy cơ này là phải phòng bệnh.

Kết luận:

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản là  biến chứng có tỷ lệ tử vong cao nhưng có thể phòng ngừa được. Nội soi tiêu hóa trên giúp phát hiện sớm các giãn tĩnh mạch thực quản và biện pháp cột thắt bằng vòng cao su qua nội soi dự phòng rất hiệu quả biến chứng này góp phần kéo dài đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân xơ gan.

Một số hình ảnh triển khai kỹ thuật thắt giãn tĩnh mạch thực quản tại Khoa chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương.

                           Ê-kíp đang triển khai kỹ thuật thắt giãn tĩnh mạch thực quản

  

Trưởng khoa cùng Ê-kíp thực hiện

Facebook a Comment