Trang chủ / Chuyên đề / TÌM HIỂU VỀ CƠN ĐAU THẮT NGỰC ỔN ĐỊNH

TÌM HIỂU VỀ CƠN ĐAU THẮT NGỰC ỔN ĐỊNH

18/08/2023 08:50          7,925     

Đau thắt ngực là thuật ngữ dùng để chỉ cơn đau hoặc khó chịu ở vùng ngực, xảy ra khi khả năng cung cấp máu của động mạch vành không có đủ máu đến nuôi tim, thường do mảng xơ vữa trong thành mạch máu. Những mảng xơ vữa này làm hẹp động mạch và hạn chế cung cấp máu cho tim, đặc biệt khi gắng sức.

Đau thắt ngực là thuật ngữ dùng để chỉ cơn đau hoặc khó chịu ở vùng ngực, xảy ra khi khả năng cung cấp máu của động mạch vành không có đủ máu đến nuôi tim, thường do mảng xơ vữa trong thành mạch máu. Những mảng xơ vữa này làm hẹp động mạch và hạn chế cung cấp máu cho tim, đặc biệt khi gắng sức.

Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực và phần lớn liên quan đến vấn đề tim hoặc phổi. Đau thắt ngực là triệu chứng cảnh báo điển hình bệnh mạch vạch, có 90% cơn đau ngực là do hẹp động mạch vành. Khi quá trình xơ vữa diễn ra kéo dài trong nhiều năm với sự tích tụ từ các mảng bám vào lòng mạch, làm thành mạch dày lên, cứng lại, mất tính đàn hồi và làm giảm lượng máu đến cơ tim. Lúc này, tim buộc phải làm việc trong môi trường thiếu oxy, từ đó gây đau thắt ngực

Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị tắc dẫn đến mạch vành không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy cho cơ tim. Đau thắt ngực là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh động mạch vành. Có 2 loại đau thắt ngực: cơn đau thắt ngực ổn định (Hội chứng bệnh mạch vành mạn tính) và cơn đau thắt ngực không ổn định (Hội chứng động mạch vành cấp tính) hãy cùng tìm hiểu về cơn đau thắt ngực ổn định trong bài viêt dưới đây.

1. Khái niệm:

Hội chứng động mạch vành mạn (chronic coronary syndrome) là thuật ngữ mới được đưa ra tại hội Nghị Tim Mạch chấu Âu (ESC) 2019, thay cho tên gọi trước đây là đau thắt ngực ổn định, bệnh ĐMV ổn định, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính hoặc suy vành.

Hội chứng động mạch vành mạn là bệnh lý liên quan đến sự ổn định tương đối của mảng xơ vữa động mạch vành, khi không có sự nứt vỡ đột ngột hoặc sau giai đoạn cấp hoặc sau khi đã được can thiệp/ phẫu thuật. Khi mảng xơ vữa tiến triển dần gây hẹp lòng ĐMV một cách đáng kể ( Thường là hẹp > 70% đường kính lòng mạch) thì có thể gây ra triệu chứng, điển hình nhất là đau thắt ngực/ khó thở khi bệnh nhân gắng sức và đỡ khi nghỉ.

2.  Khám lâm sàng: 

* Triệu chứng cơ năng: Trong chẩn đoán bệnh động mạch vành, cơn đau thắt ngực là triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất ( xác định bệnh nhân đau ngực kiểu động mạch vành ). Cần lưu ý một số trường hợp bệnh nhân bị bệnh động mạch vành  lại không có cơn đau ngực ( bệnh ĐMV thầm lặng).

- Vị trí:      

+ Thường ở sau xương ức và là một vùng ( chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng.

          + Hay gặp hơn cả là hướng lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4,5.

- Hoàn cảnh xuất hiện:

+ Thường xuất hiện khi gắng sức, cảm xúc mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá và nhanh chóng giảm/ biến mất trong vài phút khi các yếu tố trên giảm.

+ Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên. Một số trường hợp cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế hoặc khi kèm cơn nhịp tim nhanh

- Tính chất:                   

+ Hầu hết bệnh nhân mô tả cơn đau thắt ngực như thắt lại, bó nghẹt hoặc bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá, bỏng rát.

+ Mốt số bệnh nhân có khó thở, mệt lả, đau đầu buồn nôn, vã mồ hôi

- Thời gian:                   

+ Thường kéo dài khoảng vài phút (3-5 phút), có thể dài hơn nhưng thường không quá 20 phút ( nếu đau kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần nghĩ đến cơn đau ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim).

+ Những cơn đau do xúc cảm thường kéo dài hơn đau do gắng sức. những cơn đau kéo dài dưới 1 phút thì nên tìm nguyên nhân khác ngoài tim.

3. Các xét nghiệm chẩn đoán:

- Các xét nghiệm sinh hóa cơ bản: Troponin hs , tổng phân tích tế bào máu, Creatinin, Bilan lipid máu.

- Điện tâm đồ khi nghỉ

- Có thể theo dõi Holter điện tâm đồ

- Siêu âm tim khi nghỉ

- X quang ngực thẳng ở những bệnh nhân phù hợp

4. Điều trị:

4.1. Điều trị nội khoa:

a. Mục tiêu điều trị: Gồm 2 mục tiêu chính

+ Giảm triệu chứng do thiếu máu cục bộ cơ tim

+ Phòng ngừa biến cố tim mạch

b. Thuốc điều trị cơn đau thắt ngực

+ Nhóm nitrat

+ Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm

+ Thuốc chẹn kênh Canxi

+ Các nhóm thuốc khác: Ivabradine ( Procoralan)Nicorandil; Trimetazidine (Vastarel).

c. Các thuốc phòng ngừa biến cố tim mạch ở bệnh nhân hội chứng động mạch vành mạn

+ Thuốc kháng kết tập tiểu cầu: Aspirin, Clopidogrel, Aspirin kết hợp với thuốc chống huyết khối thứ 2 ( kháng kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông khác) như Clopidogrel, Prasugrel, Rivaroxaban, Ticagrelor.

+ Thuốc điều trị hạ lipid máu

+ Thuốc ức chế hệ Renin- Angiotensin- Aldosterone.

4.2 . Điều trị can thiệp động mạch vành: 

          Chỉ định tái thông động mạch vành theo các khuyến cáo mới nhất hiện nay đã mở rộng chỉ định hơn dựa vào các thăm dò chức năng xâm lấn

          Chụp động mạch vành qua da là phương pháp thăm dò xâm lấn quan trọng giúp chẩn đoán xác định có hẹp động mạch vành hay không, mức độ hẹp, vị trí hẹp của từng nhánh và dòng chảy trong lòng động mạch vành . Chụp động mạch vành qua da chỉ được chỉ định một cách chặt chẽ và khi có chỉ định tái thông động mạch vành. Do vậy, đây là biện pháp chỉ định ở người bệnh có khả năng cao mắc bệnh động mạch vành triệu chứng nặng không kiểm soát được với điều trị nội khoa hoặc đau ngực điển hình khi gắng sức nhẹ và đánh giá lâm sàng thấy nguy cơ biến cố cao.

Quyết định tái thông động mạch vành qua da hoặc bắc cầu nối chủ vành dựa trên biểu hiện lâm sàng ( có triệu chứng hay không ) và bằng chứng thiếu máu cơ tim cục bộ. Nếu không có bằng chứng thiếu máu cơ tim, chỉ định tái thông dựa vào mức độ đánh giá mức độ hẹp hoặc tiên lượng.

4.3. Theo dõi và quản lý lâu dài:  Bệnh nhân có hội chứng động mạch vành mạn cần được theo dõi và quản lý vì sau một thời gian ổn định , bệnh nhân có thể gặp phải các biến cố tim mach hoặc phải trải qua các can thiệp khác dù có hay không có triệu chứng.

5. Phòng ngừa Đau thắt ngực ổn định.

   Việc phòng ngừa đau thắt ngực ổn định  là vô cùng cần thiết và quan trọng. Bạn có thể phòng ngừa các cơn đau thắt ngực bằng cách tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống, điều chỉnh tốt các yếu tố nguy cơ, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Một số biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo bao gồm:

  • Ngừng hút thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc từ những người xung quanh)
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê…
  • Xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi.
  • Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo (thịt màu đỏ, nội tạng động vật, da, óc tủy động vật, lòng đỏ trứng, mỡ, lòng lợn…);
  • Giảm muối, giảm đường.
  • Tập luyện thể dục mỗi ngày 30 phút với các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga… Tập với mức độ gắng sức vừa phải, tăng dần cường độ và mức độ theo thời gian.
  • Cân nặng khỏe mạnh tối ưu : Đạt và duy trì cân nặng tối ứu ( BMI<25kg/m2) hoặc giảm cân bằng cách giảm lượng ăn vào theo khuyến cáo và hoạt động thể chất.
  • Theo dõi và kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu.
  • Tránh lo lắng, căng thẳng, nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc.
  • Đối với bệnh nhân đau thắt ngực ổn định, không có triệu chứng thì hoạt động tình dục cần ở mức độ thấp hoặc vừa phải.
  • Khám chuyên khoa tim mạch định kỳ (3 tháng – 6 tháng -12 tháng) và thực hiện nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ điều trị.

  * Tóm lại:  Đau thắt ngực ổn định có thể tiến triển thành đau thắt ngực không ổn định và ngược lại. Đau thắt ngực không ổn định  có thể tiến triển thành nhồi máu cơ tim cấp và có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, người bệnh cần phân biệt được mình đang bị đau thắt ngực ổn định hay là đau thắt ngực không ổn định để có hướng xử trí tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

1. Lâm sàng tim mạch học, Phạm Mạnh Hùng,  Nhà xuất bản Y học 2019.

2. Quyết định về việc ban hành tài liệu chuyên môn “ Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí hội chứng mạch vành cấp”, Bộ Y tế.  Quyết định số 2877/ QĐ- BYT , ngày 3 tháng 6 năm 2019.

3. Quyết định về việc ban hành tài liệu chuyên môn “ Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí hội chứng mạch vành mạn”, Bộ Y tế.  Quyết định số 2248/ QĐ- BYT , ngày 19 tháng 5 năm 2023.

Bác sỹ chuyên khoa 2:  Phạm Minh Tuấn, Khoa Khám bệnh Kim Chung -Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Facebook a Comment
Chuyên đề khác: