Trang chủ / Chuyên đề / “HIỆP ĐỒNG TÁC CHIẾN’ CẤP CỨU THÀNH CÔNG CỤ ÔNG NGUY KỊCH

“HIỆP ĐỒNG TÁC CHIẾN’ CẤP CỨU THÀNH CÔNG CỤ ÔNG NGUY KỊCH

09/05/2024 15:57          386     

Bệnh nhân nam 75 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội, vào viện ngày 24/04/2024. Bệnh nhân có tiền sử mắc nhiều bệnh nền: thiếu máu tan máu, xơ gan, tăng huyết áp, nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm. Bệnh nhân thường xuyên đi bệnh viện, sử dụng các thuốc hỗ trợ. 3h sáng ngày 24/04/2024, bệnh nhân nôn ra ít máu đen, nhưng sau 2 tiếng bệnh nhân nôn máu lần nữa, lần này số lượng gần 1 lít máu đen lẫn máu cục, người nhợt nhạt. Bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, mất máu nhiều trên nền bệnh thiếu máu, tụt huyết áp, phải truyền máu số lượng lớn để duy trì huyết áp.

TS.BS Nguyễn Minh Trọng, Trưởng khoa Ngoai gan mật - tiêu hóa và ung bướu- một trong những phẫu thuật viên chia sẻ: “Khi thực hiện nội soi thực quản - dạ dày chúng tôi thấy có một ổ loét lớn ở vị trí 1/3 dưới thực quản gây ra chảy máu. Do vị trí và tính chất ổ loét rất khó can thiệp cầm máu hiệu quả qua nội soi và sau đó tình trạng chảy máu tiếp tục tiến triển nặng hơn, lần này ra máu đỏ tươi, ồ ạt, số lượng lớn. Bệnh nhân trong tình trạng vô cùng nguy hiểm vì mất máu cấp. Chúng tôi lập tức hội chẩn đa chuyên khoa, một mặt tích cực hồi sức, thở máy, truyền máu, truyền dịch và duy trì các thuốc để giữ được huyết áp, đồng thời can thiệp ngoại khoa khẩn cấp để cầm máu”.

Bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ cấp cứu trong tình trạng mạch huyết áp không ổn định. Gia đình bệnh nhân được các bác sĩ giải thích về tình trạng bệnh và nguy cơ có thể xảy ra trong và sau mổ (kể cả tử vong trên bàn mổ). Tại phòng mổ, các phẫu thuật viên tiến hành đường mở bụng theo đường trắng trên và dưới rốn với tình trạng gần như không chảy máu (không còn máu) chủ yếu là dịch nước trắng. Mở bụng với tình trạng dạ dày chướng căng trong chứa toàn bộ máu loãng và máu cục với lượng máu ước tính trong dạ dày khoảng gần 3 lít kèm thêm 1 số đã xuống đến đường tiêu hóa dưới gây chướng căng các quai ruột. Gan 2 thùy xơ nhẹ, nhợt trắng. Bệnh nhân được tiến hành nhanh chóng kiểm soát các nguồn mạch cấp máu cho đoạn thực quản dưới (nơi nguyên nhân chảy máu chính).

“Sau khi kiểm soát mạch, giải phóng thực quản bụng và 1 phần thực quản trong lồng ngực mở kiểm tra ổ loét thực quản thì không thấy chảy máu nữa. Lúc đó, câu hỏi đặt ra cho các phẫu thuật viên chúng tôi là kết quả nhận định ban đầu chưa chính xác trong xác định nguyên nhân và vị trí chảy máu, hay tổn thương còn ở phía cao hơn nữa. Để giải quyết “bài toán” khó này, chúng tôi đã phải tổ chức phối hợp kịp thời nội soi thực quản ống mềm (khoa thăm dò chức năng) chuyển ngay một dàn nội soi lên nhà mổ để soi trực tiếp trong lúc phẫu thuật. Rất đúng như nhận định ban đầu, các bác sĩ thăm dò chức năng đã khẳng định là đoạn thực quản còn lại không còn tổn thương, điều này giúp chúng tôi có quyết định nhanh chóng là sẽ cắt dạ dày cực trên kèm thực quản đoạn dưới (kèm theo ổ loét), tạo hình lại dạ dày (nối dạ dày – thực quản), mở thông hỗng tràng để nuôi dưỡng (giảm chi phí điều trị sau khi hồi phục sau mổ). Sau khi kiểm soát nguồn mạch cấp máu cho thực quản, nhưng do tình trạng mất máu cấp và nhiều, dù đã được truyền máu bổ sung và dịch cao phân tử nhưng huyết áp có đôi khi vẫn xuống thấp. Vì vậy một ê kíp các bác sĩ Hồi sức tich cực đã được huy động phối hợp cùng ê kíp gây mê để giúp cho bệnh nhân duy trì huyết áp ổn định, đảm bảo cho cuộc mổ diễn ra thuận lợi…” Bác sĩ Trọng kể lại.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã kiểm soát hoàn toàn tình trạng chảy máu. Các ngày sau, tình trạng suy đa cơ quan do mất máu nhiều cũng dần hồi phục. Bệnh nhân dần hồi tỉnh, rút được ống thở, duy trì các thuốc tim mạch và hô hấp, tình trạng bệnh nhân dần ổn định, vết mổ phục hồi tốt, không rò miệng nối. Chiều ngày 09/05/2024, bệnh nhân đã được xuất viện về nhà và tiếp tục theo dõi quản lý bệnh nền.

Để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xẩy ra, TS.BS Nguyễn Minh Trọng khuyến cáo: Bệnh nhân thường xuyên có các biểu hiện đau rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua, hoặc tiền sử viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản mạn tính nên nội soi dạ dày tá tràng định kỳ đánh giá mức độ loét và có hướng can thiệp phù hợp. Ngoài ra còn giúp tầm soát sớm các ung thư đường tiêu hóa. Nếu bệnh nhân có biểu hiện nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen cần nhập viện ngay để quản lý sớm, tránh nguy cơ biến chứng nặng.

Facebook a Comment