Trang chủ / Chuyên đề / BỆNH GIUN LƯƠN VÀ CÁCH DỰ PHÒNG

BỆNH GIUN LƯƠN VÀ CÁCH DỰ PHÒNG

29/06/2023 09:22     1      13,030     

Giun lươn gây bệnh cho người tên khoa học Strongyloides stercoralis (đôi khi Strongyloides fuelleborni) là một loài giun tròn, sống ký sinh ở ruột non người, nhưng cũng có thể sống trong môi trường bên ngoài, nhất là trong điều kiện nóng ẩm.

  1. Bệnh giun lươn là gì?  Giun lươn gây bệnh cho người tên khoa học Strongyloides stercoralis (đôi khi Strongyloides fuelleborni) là một loài giun tròn, sống ký sinh ở ruột non người, nhưng cũng có thể sống trong môi trường bên ngoài, nhất là trong điều kiện nóng ẩm. Chỉ giun cái mới ký sinh ở người. Giun cái trưởng thành có kích thước khoảng 1,5 – 2,5 mm.

Hình 1: Giun cái trưởng thành (Nguồn US-CDC)

Nhiễm giun lươn trên người khỏe mạnh có thể chỉ biểu hiện bệnh nhẹ như: rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa, mệt  mỏi, chán ăn … Tuy nhiên, trên những người bệnh suy giảm miễn dịch, dùng thuốc corticoid hay thuốc ức chế miễn dịch kéo dài có thể bị hội chứng tăng nhiễm giun lươn hoặc nhiễm giun lươn lan tỏa, ấu trùng giun xâm nhập vào nhiều cơ quan như tim, gan, phổi, thận, não …, kèm theo các biểu hiện nhiễm khuẩn nặng, đe dọa tính mạng và điều trị rất khó khăn, tốn kém.

                          https://thuvienphapluat.vn/doc2htm/00515091_files/image001.jpg

      Hình 2: Chu kỳ phát triển của giun lươn S. stercoralis (Nguồn US-CDC, 2019)

    2. Người bị nhiễm giun lươn như thế nào?

Giun lươn cái trưởng thành sống ở ruột non, đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng (ấu trùng hình que), được bài tiết qua phân. Sau một vài ngày trong đất, ấu trùng phát triển thành dạng có thể gây nhiễm trùng (ấu trùng hình chỉ). Nếu ấu trùng tiếp xúc với da trần của một người, chúng có khả năng thâm nhập qua da vào cơ thể. Sau đó ấu trùng di chuyển bằng nhiều con đường khác nhau đến ruột non, nơi chúng phát triển thành giun trưởng thành trong khoảng 2 tuần.

Ấu trùng không tiếp xúc với người có thể phát triển thành giun trưởng thành (đực và cái) có thể sinh sản trong đất vài thế hệ trước khi ấu trùng của chúng tiếp xúc với người.

Một số ấu trùng trong ruột non có thể tái nhiễm trùng bằng cách:

  • Xâm nhập vào thành ruột và trực tiếp vào máu của người đó;
  • Được bài tiết qua phân và thấm qua da quanh hậu môn hoặc da mông, đùi

Trong cả hai trường hợp, ấu trùng di chuyển theo dòng máu đến phổi, sau đó đến cổ họng và quay trở lại ruột để gây ra một đợt nhiễm trùng khác - được gọi là tự nhiễm trùng.

3. Những người nào có nguy cơ bị nhiễm giun lươn?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với đất, cát có ấu trùng giun lươn.

4. Bệnh giun lươn có biểu hiện như thế nào?

Đa số người bị nhiễm giun lươn không có biểu hiện triệu chứng.

Một số ít Người bệnh có biểu hiện nhẹ:

  • Ngứa, nổi mẩn đỏ tại vị trí giun xâm nhập qua da, thậm chí nổi ban dát sẩn dạng mề đay rải rác toàn thân
  • Đau bụng vùng hạ vị hoặc hạ sườn phải kèm theo buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy xen kẽ với táo bón kéo dài trên 2 tuần.

Tuy nhiên, nhiễm giun lươn có thể gây thể bệnh nặng ở những Người bệnh suy giảm miễn dịch, như: thường xuyên sử dụng corticoid để điều trị các bệnh mãn tính (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Gút …); người bị bệnh máu ác tính: bệnh lơ-xê-mi, bệnh U lympho; Người bệnh sau ghép tạng …

Thể bệnh nặng bao gồm: Hội chứng tăng nhiễm giun lươn và Hội chứng nhiễm giun lươn lan tỏa. Ấu trùng sẽ xâm nhập vào nhiều cơ quan như phổi, gan, tim, thận, hệ thống nội tiết, hệ thống thần kinh trung ương, gây các bệnh cảnh nhiễm trùng nặng, nguy cơ tử vong cao, kể cả khi được điều trị thuốc chống ký sinh trùng và thuốc kháng sinh thích hợp.

  5.Những trường hợp nào nên đi khám tầm soát giun lươn?

  • Những người có làm công việc thường xuyên tiếp xúc da trần với đất, cát có nhiễm phân người;
  • Những người có biểu hiện sẩn ngứa, phát ban nhiều đợt mà không rõ căn nguyên;
  • Những người ban đầu có biểu hiện phát ban sẩn ngứa ngoài da, sau 1-2 tuần có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, xen kẽ với táo bón kéo dài trên 2 tuần;
  • Những người suy giảm miễn dịch, điều trị corticoid kéo dài, có nhiều đợt nhiễm trùng viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết.

 6. Bệnh nhiễm giun lươn được chẩn đoán như thế nào?

Người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa có kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng để được chẩn đoán.

Người bệnh sẽ được lấy máu làm xét nghiệm huyết thanh và lấy phân soi tìm ấu trùng giun lươn. Những trường hợp nặng có thể cần xét nghiệm đờm tìm ấu trùng giun lươn.

 7. Điều trị bệnh nhiễm giun lươn như thế nào?

Tùy theo mức độ biểu hiện bệnh và tình trạng nhiễm giun lươn mà bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Các nhóm thuốc sử dụng bao gồm:

  • Thuốc đặc hiệu để diệt giun lươn: ivermectin, albendazole, thiabendazole;
  • Thuốc chống dị ứng, thuốc chống rối loạn tiêu hóa

Điều trị khác: nâng cao thể trạng, điều chỉnh các thuốc ức chế miễn dịch nếu đang sử dụng (ví dụ: corticoid). Trường hợp nặng có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn, cần điều trị thêm kháng sinh.

8. Dự phòng nhiễm giun lươn như thế nào?

  • Vệ sinh cá nhân, ăn uống hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi;
  • Những người thường xuyên tiếp xúc với đất trong lúc làm việc nên mang trang bị phòng hộ: găng tay, giầy dép, ủng …;
  • Nâng cao sức đề kháng, luyện tập thể thao, ăn uống đủ chất …

 Ths. BS Trần Văn Bắc

Phó Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

 

Tài liệu tham khảo:

Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, và phòng bệnh giun lươn. Bộ Y tế. Theo Quyết định số 1384/QĐ-BYT

Facebook a Comment