Trang chủ / Chuyên đề / ÁP XE PHỔI

ÁP XE PHỔI

07/08/2023 14:59     533      9,294     

Là tình trạng hoại tử nhu mô phổi do căn nguyên nhiễm trùng, tạo thành các hang trong phổi chứa tổ chức hoại tử và có thể có cả dịch ở bên trong.

  1. Bệnh Áp xe phổi là gì?

Là tình trạng hoại tử nhu mô phổi do căn nguyên nhiễm trùng, tạo thành các hang trong phổi chứa tổ chức hoại tử và có thể có cả dịch ở bên trong. Áp xe phổi có thể chỉ có 1 ổ hoặc thậm chí nhiều ổ (áp xe đa ổ). Nguyên nhân hay gặp của áp xe phổi là do hít sặc vào phổi các chất tiết vùng miệng họng, kết hợp với viêm lợi hoặc vệ sinh răng miệng kém, thường do các vi khuẩn vùng miệng họng. Ngoài ra vi khuẩn gây áp xe phổi có thể đến theo đường máu từ một ổ viêm nội tâm mạc bên tim phải, căn nguyên thường do vi khuẩn Tụ cầu. Áp xe phổi nếu được chẩn đoán và điều trị muộn, nguy cơ biến chứng và tiên lượng điều trị khó khăn.

  1. Đối tượng nguy cơ mắc Áp xe phổi?
  • Người già, yếu liệt, nằm lâu, vệ sinh răng miệng kém, ho khạc yếu, dễ nguy cơ hít sặc vào phổi;
  • Người suy giảm nhận thức do uống rượu, sử dụng thuốc phiện, thuốc gây mê, an thần, dễ có nguy cơ hít sặc chất tiết vào phổi;
  • Người tiêm chích ma túy, có nguy cơ viêm nội tâm mạc, biến chứng áp xe phổi.
  1. Biểu hiện của Áp xe phổi như thế nào?

Bệnh thường tiến triển âm thầm, sau nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, các triệu chứng có thể không điển hình, bao gồm:

  • Ho có đờm, sốt, mồ hôi đêm, sụt cân;
  • Đôi khi bệnh nhân đến khám vì ho ra máu, đau ngực, ho đờm đục, hoặc đờm có dây máu và có mùi hôi, kèm theo hơi thở hôi;
  • Hình ảnh áp xe phổi

    Khám phổi thường biểu hiện không đặc hiệu, có thể biểu hiện giống như đông đặc phổi, hoặc viêm phổi;
  • Chụp phim xquang phổi, hoặc phim cắt lớp vi tính giúp định hướng chẩn đoán;
  • Cấy đờm, hoặc cấy dịch màng phổi (nếu có) giúp xác định căn nguyên. Tuy nhiên với căn nguyên do vi khuẩn kỵ khí rất khó nuôi cấy.
  1. Điều trị Áp xe phổi như thế nào?
  • Điều trị căn nguyên: dùng kháng sinh bao phủ căn nguyên nghi ngờ, hoặc căn nguyên được xác định dựa trên kết quả nuôi cấy bệnh phẩm. Thời gian điều trị kháng sinh có thể kéo dài 3 – 6 tuần hoặc lâu hơn.
  • Điều trị phẫu thuật / thủ thuật: trong trường hợp ổ áp xe kém đáp ứng với điều trị kháng sinh, tùy theo vị trí, tính chất ổ áp xe, có thể can thiệp dẫn lưu ổ áp xe: chọc hút ổ áp xe, dẫn lưu màng phổi, phẫu thuật cắt bỏ …
  1. Tiên lượng Áp xe phổi như thế nào?
  • Áp xe phổi không được điều trị tốt có nguy cơ biến chứng: ho máu nguy kịch, tràn mủ màng phổi, nhiễm trùng huyết, xơ phổi, giãn phế quản…
  • Tỷ lệ tử vong của áp xe phổi từ 2 – 38,2%, tùy thuộc vào tuổi, tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh lý nền, tình trạng miễn dịch, thời điểm bắt đầu điều trị kháng sinh thích hợp, các điều trị can thiệp trong trường hợp nặng.

Ths.BS Trần Văn Bắc

Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương

 

Facebook a Comment