Trang chủ / Tin tức / Phân tích thực trạng:Sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ở Việt Nam

Phân tích thực trạng:Sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ở Việt Nam

14/06/2012 09:21     36,777      56,663     

Vấn đề về thực trạng kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu và đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển với gánh nặng của các bệnh nhiễm khuẩn và những chi phí bắt buộc cho việc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới, đắt tiền. Các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện là các nguyên nhân hàng đầu có tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển. Việc kiểm soát các loại bệnh này đã và đang chịu sự tác động bất lợi của sự phát triển và lan truyền tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Có thể nói rằng, vi khuẩn càng phơi nhiễm nhiều với kháng sinh thì “sức ép về thuốc” càng lớn các chủng kháng thuốc càng có nhiều cơ hội để phát triển và lây lan. Mặc dù kháng kháng sinh là vấn đề căn bản thuộc về y tế, trong đó sức ép về thuốc là yếu tố nội tại quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển và gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Tuy nhiên, vấn đề này còn chịu sự chi phối của nhiều lĩnh vực khác bao gồm các yếu tố về sinh thái học, dịch tễ học, văn hoá-xã hội và kinh tế. Người bệnh, các nhà lâm sàng, bác sỹ thú y, các phòng khám tư, bệnh viện và doanh nghiệp dược từ qui mô nhỏ đến lớn đều có rất ít động thái (về mặt kinh tế hoặc các khía cạnh khác) nhằm đánh giá những ảnh hưởng bất lợi của việc sử dụng kháng sinh đối với các đối tượng liên quan hoặc hậu quả của những ảnh hưởng đó đối với thế hệ tương lai. Những hoạt động như tăng cường giám sát, các chiến dịch thông tin đại chúng về mối hiểm họa của tình trạng kháng kháng sinh là một phần cần thiết trong kế hoạch đối phó toàn diện có thể đem lại tác động rất hạn chế. Để đem lại hiệu quả cao, các giải pháp chính sách cần có sự thay đổi về mặt cấu trúc các biện pháp để khuyến khích đối với bệnh nhân, các nhà lâm sàng và các đối tượng khác trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời các chính sách này phải được vận hành trong mối quan tâm cao nhất của xã hội. Đánh giá các giải pháp chính sách phải bao gồm những hiểu biết của cộng đồng về bệnh nhiễm khuẩn. Trước hết cần nghiên cứu, vạch ra các giải pháp chính sách cụ thể và trọng tâm có thể đem lại các tác động có ý nghĩa đối với tình trạng kháng kháng sinh. Tiếp theo đó, cần phải biến giải pháp chính sách thành hành động.

Kháng kháng sinh không nằm trong danh sách các vấn đề được ưu tiên của mỗi quốc gia cũng như không có được các đề xuất chiến lược nhằm thu hút các mối quan tâm từ chính phủ. Để giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, kiểm soát kháng kháng sinh nên tập trung vào một số các biện pháp can thiệp trọng điểm về mặt y tế có khả năng thực sự đem lại hiệu quả kinh tế.

Báo cáo này phân tích, đánh giá một cách chi tiết về tình hình sử dụng kháng sinh và thực trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam. Bản báo cáo đã sử dụng các nguồn thông tin thu thập từ các báo cáo trong và ngoài nước đồng thời phân tích, tổng hợp cũng như tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan nhằm xây dựng bản báo cáo phân tích một cách tổng quan và chi tiết. Từ đó đề xuất các giải pháp can thiệp nhằm kiểm soát tình hình sử dụng thuốc không hợp lý và thực trạng kháng kháng sinh như hiện nay tại Việt Nam.

Chi tiết báo cáo tham khảo tại đây

Facebook a Comment
Các tin khác: